Phát triển năng lượng điện mặt trời trong các KCN

  15/11/2022

Sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những hướng phát triển mang tính bền vững đã được Thủ tướng cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa và cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ký ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Công ty Sản xuất thiết bị cơ điện Việt Pháp (KCN Đại Đồng – Hoàn Sơn) lắp đặt hệ thống ĐMTMN công suất 997 kWp.

Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện là than, nước đã được tận dụng triệt để và đang có nguy cơ thiếu hụt, năng lượng mặt trời được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo tiềm năng và rất có triển vọng. Do đó, việc triển khai các dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nói riêng là hướng phát triển tất yếu và bền vững. Điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp cho các KCN nói chung và các doanh nghiệp nói riêng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, đây là giải pháp duy nhất khả thi trên cả phương diện về pháp luật, tài chính và dễ triển khai.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng mặt trời rất phong phú, có nắng hầu như quanh năm. Mặc dù không thuận lợi như các tỉnh phía Nam, nhưng Bắc Ninh vẫn được đánh giá là tỉnh có tiềm năng khá tốt, bởi nằm trong vùng cận nhiệt đới ẩm với khí hậu được chia làm 4 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm là 23,30C, tổng bức xạ mặt trời trung bình và số giờ nắng trung bình lần lượt là 1.350 kWh/m2/năm và 1600-1800h/năm. Tổng bức xạ mặt trời trung bình tính theo ngày là 3,75 kWh/m2/ngày. Đặc biệt Bắc Ninh lại là nơi tập trung rất nhiều KCN, là 1 trong 3 địa phương ở khu vực phía Bắc có số lượng KCN lớn nhất nước. Toàn tỉnh có 16 KCN tập trung với 24 dự án đầu tư phát triển hạ tầng đã và đang được triển khai, tổng diện tích đất quy hoạch được duyệt gần 9400 ha. 10 KCN đang hoạt động với 11 dự án đầu tư hạ tầng; 6 KCN với 13 dự án đầu tư hạ tầng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án. Các KCN được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, thu hút 1.175 dự án đang hoạt động có diện tích mái nhà xưởng lớn nên rất phù hợp để lắp hệ thống ĐMTMN.

Thời gian qua tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN tạo nguồn năng lượng sạch đáng kể, đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế lẫn môi trường và xã hội. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh: Toàn tỉnh hiện có 493 tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt đạt 20.423 kWp, chiếm 0,6% tổng nguồn cung cấp điện năng của tỉnh. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đều lắp đặt phục vụ nhu cầu sử dụng tự dùng, sau đó sản lượng dư thừa mới bán cho ngành Điện. Các hệ thống điện mặt trời được đưa vào vận hành giúp cung cấp một phần điện tự dùng cho tiêu dùng, sản xuất; tăng cường tiết kiệm năng lượng điện, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng truyền thống và đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ là bước đầu, tiềm năng phát triển về năng lượng mặt trời của tỉnh vẫn còn rất lớn chưa phát huy được hết. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn cho thấy, giá trị tổng xạ mặt trời và điện năng phát từ tấm pin mặt trời trên địa bàn tỉnh có giá trị trung bình lần lượt là 1.329 kWh/m2/năm và  1.076 kWh/kWp/năm. Trong đó, huyện Quế Võ có giá trị tổng bức xạ mặt trời và điện năng phát ra từ tấm pin mặt trời trung bình năm cao nhất là 1.340 kWh/m2/năm và 1.085 kWp/kWh/năm; thành phố Từ Sơn và huyện Tiên Du là 1.324 kWh/m2/năm và 1.072 kWh/kWp/năm… Thông thường đối với dự án ĐMTMN có công suất khoảng 1MWp, thời gian hoàn vốn thường rơi vào khoảng 4-7 năm, với vòng đời dự án lên đến gần 20 năm thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hưởng được nhiều lợi ích và tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm chi phí điện.

Theo ông Nguyễn Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để thúc đẩy phát triển ĐMTMN trong các KCN, thời gian tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị, về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trình tự thủ tục thẩm định về công nghệ, hoạt động kinh doanh, buôn bán và truyền tải điện trên hệ thống đối với các công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời trong KCN; thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây mới và cải tạo, lắp đặt thêm hạng mục ĐMTMN; lập thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư, điện lực, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định có liên quan.

Phát triển ĐMTMN là một trong những nội dung phát triển năng lượng xanh, sạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Triển khai thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái KCN Bắc Ninh theo hướng xanh, sạch, quản lý thông minh và phát triển bền vững.

Nguồn: baobacninh.com.vn

×

FanPage

Renewable Energy Vietnam