Ngày càng nhiều nhà đầu tư châu Âu, Mỹ “để ý” thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam

  19/12/2022

Ngày càng nhiều nhà đầu tư châu Âu, Mỹ “để ý” thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam
Hơn hết, Việt Nam đang tiến tới quy trình đấu giá diện và ưu tiên phát triển điện gió trong đất liền/ngoài khơi trong Quy hoạch Phát triển Nguồn điện 8, các nhà đầu tư có chi phí vốn cạnh tranh và các nguồn tài trợ tốt hơn sẽ có lợi thế trong thị trường sắp tới.

Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất điện tái tạo ở Đông Nam Á. Chỉ trong vòng 5 năm và với xuất phát điểm gần như con số 0, lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) đã phát triển và có công suất điện mặt trời 16,5GW và công suất điện gió là 4GW tính đến cuối năm 2021.

Theo một thống kê, NLTT hiện chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt và 12% điện sản xuất. Với sự phân bổ công suất đầy hứa hẹn trong dự thảo Quy hoạch Phát triển Nguồn điện 8 và cam kết của Chính phủ về mục tiêu net-zero vào năm 2050, NLTT đang trở thành một phần quan trọng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam.

Trước kia, thị trường NLTT chủ yếu bao gồm các công ty nội địa, phần lớn tập trung vào lĩnh vực bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng, do đặc điểm chung là liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng và giấy phép. Ngoài ra, cũng nhờ các yêu cầu kỹ thuật lắp đặt đơn giản của các trang trại điện mặt trời, các công ty nội địa đã hợp tác thành công với các đối tác và tăng công suất năng lượng tái tạo lên đáng kể ở Việt Nam.

Ghi nhận, không chỉ tốc độ tăng nhanh hơn ở các nơi khác trên thế giới mà Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất điện mặt trời đứng thứ 10 toàn cầu chỉ trong vòng 5 năm. Các giao dịch M&A chủ yếu diễn ra ở trong nước và ít thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế

Ngày nay, thị trường có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm cơ hội tham gia vào phát triển kinh tế đất nước và gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam. Những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực này đến từ các nước ASEAN, do họ đã quen thuộc với thị trường và muốn tiếp cận chương trình ưu đãi giá hấp dẫn hơn so với thị trường nước sở tại của họ. Họ chủ yếu tập trung vào mua lại các công ty đang hoạt động.

Dần dần, các nhà đầu tư từ các nơi khác trên thế giới, chủ yếu là châu Âu và Mỹ đã chú ý đến tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. Vì ít tiếp xúc với thị trường năng lượng Việt Nam, các nhà đầu tư bắt đầu bằng cách làm quen và theo dõi thị trường thay vì đầu tư chủ động. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, họ trở nên tự tin về tình hình kinh doanh của thị trường và tham gia vào nhiều giao dịch, mua lại các nền tảng lên đến hàng trăm megawatts. Mặc dù việc mua lại tập trung vào các dự án đang hoạt động nhưng đây sẽ là bước đệm quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động và chuyển sang phát triển dự án mới trong những năm tới.

Cách thức M&A dần thay đổi

Bản chất tài sản để bán cũng thay đổi. Trước đây, hầu hết các giao dịch M&A diễn ra với các tài sản đơn lẻ, quy mô nhỏ với việc bán 100% cổ phần cho các dự án trước khi đi vào hoạt động hoặc đã hoạt động. Điều này diễn ra bởi một số các nhà đầu tư trong nước chuyển vốn và tập trung lại vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ; bán các dự án đơn lẻ là cách nhanh nhất để thực hiện điều đó.

Thứ hai là bởi vì các dự án không đạt được sự ổn định trong năm đầu tiên, cùng với tỷ lệ cắt giảm cao trong thời gian phong tỏa của năm 2020 – 2021, nhiều nhà đầu tư nhỏ phải vật lộn với doanh thu bị giảm và không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho các dự án.

Hơn hết, Việt Nam đang tiến tới quy trình đấu giá diện và ưu tiên phát triển điện gió trong đất liền/ngoài khơi trong Quy hoạch Phát triển Nguồn điện 8, các nhà đầu tư sở hữu sở trường kỹ thuật mạnh, chi phí vốn cạnh tranh và các nguồn tài trợ tốt hơn sẽ có lợi thế trong thị trường sắp tới. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các công ty trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng lĩnh vực NLTT ở Việt Nam.

Những sự hợp tác như vậy mở đường cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế quan tâm đến việc tham gia vào các nền tảng quy mô tại Việt Nam. Với vấn đề về thanh khoản thấp và cơ hội huy động vốn hạn chế, thị trường đang mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tài chính lấp đầy khoảng trống. Trong vòng 6 tháng tới, thị trường M&A được kì vọng sẽ trở nên sôi động và cạnh tranh hơn, có khả năng tạo ra nhiều điểm gia nhập hấp dẫn hơn.

Đơn cử, trong những năm gần đây, VinaCapital đã cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch. Một số dự án quan trọng của công ty bao gồm dự án điện khí hóa lỏng 3.000MW LNG tại Long An liên doanh với GS Energy; SkyX Solar – công ty năng lượng điện mặt trời áp mái với công suất dự kiến trên 200MW vào năm 2023 và nền tảng điện gió 500MW liên doanh với EDF Renewables.

Và mặc dù thị trường có nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về thị trường và nỗ lực thẩm định để lựa chọn đúng tài sản do sự phức tạp của danh mục đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cấu trúc thuế và tài chính của các nền tảng này. Theo chuyên gia, các nhà đầu tư phải tiến hành đánh giá thị trường cạnh tranh cũng như đánh giá khả năng phát triển dự án mới của đối tác trong nước trong khuôn khổ cạnh tranh sắp tới.

Theo CAFEF

×

FanPage

Renewable Energy Vietnam